#041 | Cấn trừ lãi dư do quá cao vào nợ gốc ở thời điểm thanh toán

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Một cá nhân (Nguyên đơn) cho một Công ty (Bị đơn) vay 37.782.000.000 VND với mức lãi theo thỏa thuận là 24%/năm. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn 5.210.000.000 VND tiền lãi được tính theo thỏa thuận cho một giai đoạn và sau đó không trả gốc và lãi nữa nên Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn yêu cầu thanh toán tiền gốc và tiền lãi còn thiếu. Hội đồng Trọng tài xác định mức lãi theo thỏa thuận là quá cao so với quy định nên Bị đơn đã trả lãi dư và cấn trừ phần dư này vào nợ gốc dẫn đến tiền làm phát sinh lãi ở các đợt sau giảm.

Bài học kinh nghiệm:

Việc cho vay có lãi mà người đi vay là doanh nghiệp khá phổ biến và vụ việc nêu trên là một ví dụ. Pháp luật Việt Nam theo hướng mức lãi do các bên thỏa thuận nhưng sự thỏa thuận đó có giới hạn. Cụ thể, Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” (mức lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố lần cuối là 9%/năm). Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn duy trì mức trần nhưng mức trần và cách thức quy định mức trần có khác biệt vì khoản 1 Điều 468 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.

Thực tế, không hiếm trường hợp mức lãi theo thỏa thuận vượt quá mức trần và người vay trả lãi theo thỏa thuận là dư so với quy định. Trong vụ việc nêu trên, các bên thỏa thuận mức lãi bằng 24%/năm và người đi vay đã trả 5.210.000.000 VND tiền lãi trên cơ sở mức lãi đã thỏa thuận. Từ đó, Hội đồng Trọng tài xác định “Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, Nguyên đơn chỉ có thể yêu cầu bên vay tiền là Công ty trả 13,5%/năm trong thời hạn vay 1 năm nêu trên. Tính trên nợ gốc 37.782.000.000 VND, Công ty phải thanh toán 13,5%/năm, thành tiền là 5.100.057.000 VND tiền lãi. Theo trình bày của Nguyên đơn, Công ty đã thanh toán cho Nguyên đơn là 5.210.000.000 VND, so với khoản tiền lãi phải thanh toán. Do đó, Bị đơn đã thanh toán dư 109.943.000 VND”.

Tại thời điểm giải quyết tranh chấp, người đi vay (Bị đơn) vẫn còn nợ gốc và nợ tiền lãi cho giai đoạn sau khi trả lãi nêu trên. Từ đó, câu hỏi đặt ra là tiền dư nêu trên sẽ được trả vào tiền lãi còn thiếu hay được trả vào tiền gốc chưa trả? Trả lời cho câu hỏi này kéo theo hệ quả quan trọng. Bởi lẽ, nếu ưu tiên trả vào tiền lãi thì tiền gốc vẫn còn nguyên nên sẽ tiếp tục làm phát sinh lãi trên khoản nợ gốc. Ngược lại, nếu ưu tiên thanh toán vào nợ gốc ở thời điểm trả lãi, tiền gốc sẽ giảm đi nên tiền gốc làm phát sinh lãi giảm cho giai đoạn sau (nên lãi cho giai đoạn sau giảm). Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng ưu tiên sử dụng tiền lãi trả dư vào tiền gốc.

Cụ thể, trong vụ việc này, các bên có thỏa thuận cho giai đoạn chậm trả mức lãi cao hơn mức lãi trong hạn. Sau khi phân tích các quy định liên quan, Hội đồng Trọng tài xác định “lãi quá hạn bằng lãi suất vay do các bên thỏa thuận và được Hội đồng Trọng tài chấp nhận trong giới hạn là 13,5%/năm, cộng thêm mức lãi suất cơ bản là 9%, tổng cộng cũng là 22,5%/năm”. Từ đó, liên quan đến việc tính lãi chậm trả, Hội đồng Trọng tài không sử dụng tiền gốc ban đầu (37.782.000.000 VND) mà sử dụng tiền gốc ban đầu sau khi trừ tiền lãi trả dư (37.672.057.000 VND) với nhận xét “tiền lãi chậm trả cho khoản tiền gốc còn lại 37.672.057.000 VND đối với giai đoạn chậm trả từ ngày 25/06/2016 cho đến ngày ban hành Phán quyết trọng tài (31 tháng) với mức lãi là 22,5%/năm là 21.896.833.000 VND (làm tròn số)”.

Hướng như nêu trên của Hội đồng Trọng tài là thuyết phục để tăng tính răn đe cho trường hợp cho vay lãi quá cao so với quy định. Hướng này cũng phù hợp với quy định hiện hành và đường lối giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao (trong một vụ việc liên quan đến vay có lãi theo thỏa thuận, Tòa án nhân dân tối cao đã xét rằng “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ xem có hay không có việc bà H đã trả lãi cho bà L hay trả lãi cho người nào khác. Trong trường hợp Bị đơn đã trả lãi cho Nguyên đơn, thì số tiền lãi đó lớn hơn so với tiền lãi áp dụng mức lãi suất theo quy định của pháp luật là bao nhiêu, từ đó đối trừ số tiền lãi chênh lệch vào khoản tiền nợ gốc tại thời điểm thanh toán lãi”)[1]. Từ đó, các doanh nghiệp cần lưu ý trong việc thỏa thuận mức lãi cho vay và không nên thỏa thuận mức lãi vượt quá mức trần đã được pháp luật quy định; nếu mức lãi theo thỏa thuận quá cao so với quy định thì mức vượt quá cũng không được chấp nhận và khoản tiền lãi trả dư sẽ được ưu tiên trả vào nợ gốc ở thời điểm trả lãi nên khoản tiền gốc làm phát sinh lãi cho giai đoạn sau sẽ giảm.

 

[1] Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại, xem Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Sđd, Bản án số 82 - 85.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI